Hẳn chúng ta ai cũng biết câu chuyện cười dân gian “Trời sinh ra thế”. Thế nhưng, cười xong mới giật mình nhận ra rằng, điều lớn nhất phản ánh qua câu chuyện cười này là người Việt chúng ta … vô cùng kém cỏi trong “tư duy phản biện”.
Tư duy phản biện, hiểu theo nghĩa thông thường nhất, là khả năng suy nghĩ, lập luận, đánh giá vấn đề thay vì chấp nhận như một điều hiển nhiên.
Có khả năng tư duy phản biện có nghĩa là có khả năng chủ động suy nghĩ, phân tích một cách logic. Cụ thể, người có khả năng tư duy phản biện không đón nhận thông tin một cách thụ động (tiếp nhận, tin ngay mà không đặt câu hỏi về tính chính xác), mà ngược lại, biết đánh giá, phân tích nó một cách chủ động (Ví dụ như đặt câu hỏi thông tin có chính xác hay không? đến từ nguồn nào ? tại sao chính xác ? tại sao không chính xác, phải tìm sự thực ở đâu), đồng thời có cái nhìn tổng quan, có khả năng so sánh, liên hệ với vấn đề khác (Vấn đề chính đặt ra là gì? Tác động của nó? Cần làm gì để hạn chế nguy cơ hoặc để khai thác lợi ích).
Tư duy phản biện là cốt lõi của sự sáng tạo nói riêng và của sự nâng cao kiến thức, nhận thức nói chung. Tư duy phản biện là một trong các yếu tố quyết định sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc chia sẻ trên mạng các kiến thức, thông tin từ tốt đến xấu đã trở nên bình thường thì tư duy phản biện lại càng cần thiết.
Vì thế, ở các nước phát triển, giúp trẻ em phát triển tư duy phản biện ngay từ nhỏ là một trong những mục tiêu chính của giáo dục. So với nhiều nước khác, rõ ràng là Việt Nam chưa thực sự nhận ra điều cần thiết này. Đáng tiếc là ở nước ta vẫn tồn tại nhiều yếu tố cản trở sự phát triển tư duy phản biện.
Thứ nhất là hệ thống giáo dục hiện nay mới chỉ tập trung trong việc truyền đạt kiến thức cho trẻ, chứ chưa tạo điều kiện để các em phát triển tư duy phản biện.
Các thầy cô giáo phải dạy theo khuôn mẫu, trẻ em học theo một khuôn mẫu, với những kiến thức khuôn mẫu.
Cách giảng dạy này tạo ra những đứa trẻ thụ động trong suy nghĩ. Từ thụ động trong suy nghĩ sẽ dẫn đến thụ động trong hành động.
Thứ hai là xã hội truyền thống Việt Nam chưa đánh giá cao việc trẻ … lập luận với người lớn.
Nhiều người vẫn cho rằng trẻ cần phải nghe lời, còn lí luận, phản đối quan điểm của ông bà, cha mẹ, người lớn hơn tuổi là dấu hiệu của … hỗn hào.
Đơn giản như việc trẻ tuyên bố rằng ‘bố mẹ không có quyền đánh con’ – điều khá bình thường ở nước ngoài thì đối với nhiều người Việt hành vi này thể hiện sự … coi thường, chống đối, và lại càng đáng … đánh.
Thứ ba là toàn xã hội Việt Nam còn thiếu cái nhìn … mở.
Những ý tưởng mới thường bị đánh giá là điên rồ, khác người, làm thui chột mong muốn “phá cách” của cá nhân. Cái nhìn hẹp của xã hội cũng làm cho con người không dám bứt phá, sáng tạo.
Ngược lại, tại nhiều nước phát triển, hệ thống giáo dục đặt trọng tâm vào việc nâng cao khả năng lập luận của học sinh.
Tư duy lối mòn, thiếu sức sáng tạo đã đang là yếu tố kéo tụt Việt Nam so với thế giới. Nếu không thay đổi nhanh chóng phương thức giáo dục khả năng suy nghĩ ở học sinh Việt Nam, khoảng cách giữa chúng ta và “thế giới phát triển” ngày càng khó rút ngắn lại.
Theo Thiên Kim/TNO