Bắt trẻ 3 tuổi phải cư xử đúng mực chắc chắn là một thách thức lớn. Bí quyết nào có thể giúp bạn đối phó lại sự ngang ngược, bướng bỉnh của trẻ ở độ tuổi này?
Đó chính là sự nhất quán, nghiêm khắc nhưng không độc đoán và những mẹo sau đây sẽ là những cách hữu hiệu nhất.
Chọn phương pháp phù hợp
”Chiến đấu” với mọi hành vi xấu của một đứa trẻ 3 tuổi khiến bạn vô cùng căng thẳng. Thay vào đó, hãy liệt kê ra những điều thực sự nguy hiểm, thiếu văn minh hoặc gây phiền nhiễu. Ví dụ như việc cấm đi xe ba bánh trên đường hoặc ra khỏi nhà mà không có người lớn. Đặt ra các quy tắc rõ ràng, cụ thể và tác hại, hậu quả nếu trẻ không nghe lời. Khi đã ra quyết định, cần phải làm theo bất kể lý do gì, bởi thiếu tính nhất quán sẽ làm con bối rối và thúc đẩy sự nổi loạn.
Đối với hành vi sai trái ít nghiêm trọng hơn: nói dối, ăn vạ, chửi thề… cần có hành động phù hợp với từng tình huống, đừng lúc nào cũng tỏ ra quá căng thẳng với con. Khi con cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu, đói hoặc đang phải đối mặt với căng thẳng bạn cần phải linh hoạt trong việc xử lý từng trường hợp.
Tránh những cuộc chiến không cần thiết
Sử dụng sự hiểu biết của bạn về cá tính của con để ngăn ngừa “cuộc chiến” không cần thiết. Nếu con thích nghịch tủ bếp trong khi bạn đang nấu ăn và điều này khiến bạn khó chịu, hãy mua một ổ khóa tủ. Nếu trẻ xem tivi quá nhiều hãy cất cái điều khiển thật xa… Cố gắng hạn chế mắng mỏ, đánh phạt con.
Lên kế hoạch trước
Nếu con có xu hướng vui vẻ và tràn đầy năng lượng vào buổi sáng nhưng mệt mỏi và gắt gỏng sau bữa trưa, hãy lên lịch cho các chuyến đi chơi hoặc đến gặp bác sĩ khi bé khỏe và vui nhất. Hãy tránh những giờ con uể oải, mệt mỏi lại mang con đi công viên, du lịch… Đồng thời trước khi đi đâu đó hãy chuẩn bị cho con một túi đồ chơi hoặc đồ ăn nhẹ, những thứ mà con thường thích nhất. Cha mẹ chuẩn bị càng chu đáo, con sẽ ít gây rối hơn.
Bình tĩnh khi đối phó với trẻ
Nếu bạn không thể tránh hành vi xấu, thì hãy đối mặt với nó một cách bình tĩnh. Cố gắng sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng, không quát nạt và sử dụng những từ trung tính và tích cực. Và hãy nhớ rằng các đề xuất “Tại sao con không rửa tay ngay bây giờ để chuẩn bị ăn tối?” thúc đẩy sự hợp tác hơn nhiều so với các lệnh “Hãy rửa tay ngay lập tức!” hoặc chỉ trích “Tay và mặt con bẩn như mèo”.
Lắng nghe con
Trẻ cảm thấy tốt hơn khi chúng biết mình đang được lắng nghe, vì vậy bất cứ khi nào có thể, hãy thể hiện sự quan tâm đến con. Nếu trẻ than vãn trong cửa hàng tạp hóa vì bạn sẽ không cho con mở bánh quy, hãy nói điều gì đó như: “Hình như con không hài lòng và giận dỗi khi không được mở hộp bánh. Nhưng cửa hàng không cho phép điều này và chúng ta phải tuân theo. ” Điều này có thể không làm con vui, nhưng nó sẽ làm giảm sự tức giận của trẻ và xoa dịu xung đột.
Giải thích các quy tắc
Một đứa trẻ 3 tuổi hiếm khi rõ ràng tại sao nên ngừng làm điều gì đó mà bé thấy vui như cắn, đánh hoặc lấy đồ chơi từ những đứa trẻ khác. Thay vào đó, hãy dạy cho con sự đồng cảm: “Khi con cắn hoặc đánh người khác, điều đó làm tổn thương họ”; “Khi con cướp đồ của bạn, bạn sẽ cảm thấy buồn vì vẫn muốn chơi với những đồ chơi đó.” Điều này giúp con thấy rằng hành vi của mình ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và khiến bé suy nghĩ về hậu quả trước tiên.
Đưa ra lựa chọn
Khi một đứa trẻ không chịu làm hoặc ngừng làm một điều gì đó, vấn đề thực sự thường là do bị kiểm soát. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, hãy cho trẻ các lựa chọn phù hợp. Thay vì ra lệnh cho con dọn dẹp phòng của mình, hãy hỏi bé, “Con muốn cất cái nào trước, sách hay đồ chơi?”
Có giải pháp thay thế
Khi bạn muốn con ngừng làm việc gì đó, hãy đưa ra những cách khác để bé thể hiện cảm xúc của mình. Ngoài ra, khuyến khích con nghĩ ra các lựa chọn riêng. Chẳng hạn: “Con nghĩ có thể làm gì để khiến bạn An chia sẻ đồ chơi đó với con?” Ngay cả trẻ 3 tuổi cũng có thể học cách tự giải quyết vấn đề. Bí quyết là lắng nghe ý kiến của chúng với một tâm trí cởi mở. Đừng ép con bất cứ điều gì và hãy nói về hậu quả trước khi đưa ra quyết định.
Tặng phần thưởng
Trong các trường hợp trẻ cư xử đúng mực hãy tặng một phần thưởng để động viên và khích lệ con.
—————————————————-
HỆ THỐNG MẦM NON GDS BIBI
Cơ sở 1: Phố Bá liễu- Hải Tân- HD
Cơ sở 2: 9 Chi Lăng- Nguyễn Trãi- HD
Cơ sở 3: Sao Đỏ- Chí Linh- HD
Cơ sở 6: 6/14 Bình Lộc- Tân Bình- TP HD